Cẩm Nang Tiểu Đường

camnangtieuduong

CẨM NANG DÀNH CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (CÒN GỌI LÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG)

Cẩm nang tiểu đường do bác sĩ Lê Hoàng Bảo biên soạn nhằm mục đích giúp bệnh nhân tiểu đường có thêm những hiểu biết cũng như cách chăm sóc sức khỏe tiểu đường tốt hơn cho người bệnh

1. Lời nói đầu

Đái tháo đường là một bệnh phổ biến và ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nếu bạn mắc đái tháo đường, bạn không hề đơn độc.

Nếu không được quan tâm điều trị kịp thời và đúng cách, đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bạn.

Việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, v.v…) đôi khi có thể ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường.

2.Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, trong đó cơ thể không sản xuất đủ insulin (đái tháo đường típ 1), hay không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả (đái tháo đường típ 2).

Thông thường, các loại tinh bột, chất đường và các chất dinh dưỡng khác được phân tách thành GLUCOSE, và được máu chuyển đến các tế bào. Các tế bào sử dụng INSULIN, một nội tiết tố do TUYẾN TỤY tiết ra, giúp glucose trong dòng máu đi vào tế bào, và chuyển thành năng lượng. Nhờ đó, insulin làm giảm lượng đường trong máu (ĐƯỜNG HUYẾT).

Nếu không có đủ insulin, hay insulin không được sử dụng đúng, glucose sẽ tăng lên trong máu và nước tiểu. Vì phải đi tiểu nhiều lần hơn nên bạn sẽ cảm thấy khát nước, sụt cân và mệt mỏi.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ Lê Hoàng Bảo không ngừng nghiên cứu- học hỏi để đồng hành cùng bệnh nhân

3. Biến chứng cấp/mạn tính

✅Biến chứng cấp tính

Hôn mê nhiễm ceton acid: Glucose và ceton tăng cao trong máu, làm cho máu bị nhiễm chất acid.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu: Glucose tăng rất cao trong máu, làm cho máu bị cô đặc lại.

Hạ đường huyết: Glucose trong máu hạ thấp, làm giảm cung cấp năng lượng cho nhiều loại tế bào trong cơ thể, trong đó tế bào não bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các biến chứng cấp tính xảy ra tương đối nhanh và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

✅Biến chứng mạn tính

✔️Biến chứng mạch máu lớn: Có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

  • Bệnh mạch vành: Đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh mạch máu não: Cơn thoáng thiếu máu não, nhồi máu não, xuất huyết não.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Hẹp, tắc động mạch chi dưới.

✔️Biến chứng mạch máu nhỏ: Thường làm giảm chất lượng cuộc sống

  • Bệnh thận: Tiểu đạm, suy thận.
  • Bệnh võng mạc: Xuất huyết, xuất tiết võng mạc, phù gai thị, bong võng mạc, mù lòa.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên:

– Bệnh thần kinh cảm giác: Nóng ran, đau, tê, dần dần mất cảm giác 2 chi dưới.

– Bệnh thần kinh vận động: Sụp mi, lé, méo miệng…

– Bệnh thần kinh tự chủ: Nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ huyết áp tư thế, liệt dạ dày, tiểu không tự chủ, teo cơ, v.v…

✔️Biến chứng nhiễm trùng: Viêm phổi, lao phổi, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm sinh dục, v.v…

Các biến chứng mạn tính do đái tháo đường mặc dù rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa, làm chậm hoặc làm giảm nếu kiểm soát đường huyết tốt ngay từ khi mới chẩn đoán.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ Lê Hoàng Bảo được bệnh nhân và đồng nghiệp đánh giá là 1 bác sĩ giỏi chuyên môn và tận tâm với bệnh nhân

4. Ý nghĩa các chỉ số đường huyết: Đường huyết đói, đường huyết sau ăn, HbA1c

INSULIN do tuyến tụy tiết ra, giúp kiểm soát đường huyết trong cơ thể. Bình thường, khi nhịn đói, insulin ngăn cản GAN tạo ra glucose, giữ cho đường huyết đói ổn định. Mặt khác, sau khi ăn, insulin đưa glucose vào MÔ CƠ và MÔ MỠ, đồng thời chuyển glucose thành glycogen để dự trữ tại GAN, giữ cho đường huyết sau ăn không tăng nhiều.

Như vậy, giảm hiệu quả của insulin tại gan (đề kháng insulin tại gan) đưa đến tăng ĐƯỜNG HUYẾT ĐÓI, trong khi giảm hiệu quả của insulin tại cả gan lẫn mô cơ và mô mỡ (đề kháng insulin tại gan và mô cơ, mô mỡ) dẫn đến tăng ĐƯỜNG HUYẾT SAU ĂN.

Bệnh đái tháo đường típ 2 được đặc trưng bởi sự giảm độ nhạy của các mô với insulin và sự suy giảm dần khả năng tiết insulin của các tế bào tuyến tụy. Trong diễn tiến tự nhiên của bệnh, tăng đường huyết sau ăn xuất hiện SỚM HƠN so với tăng đường huyết lúc đói.

Giới hạn bình thường của HbA1c là 4 – 6%, kết quả này có thể hơi chênh lệch giữa các phòng xét nghiệm. Xét nghiệm này cho biết tình hình kiểm soát đường huyết của bạn trong thời gian 2 – 3 THÁNG TRƯỚC khi lấy mẫu máu. Đo HbA1c tức là đo lượng glucose gắn với hồng cầu. Nếu đường huyết thường xuyên tăng cao, một lượng lớn glucose gắn với hồng cầu và làm HbA1c cao hơn bình thường. Ngược lại, nếu bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt, sẽ có ít glucose gắn vào hồng cầu và làm cho kết quả HbA1c ở mức 4 – 6%.

5. Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị là đảm bảo lượng đường huyết ở mức vừa phải, không quá thấp cũng không quá cao, để bạn cảm thấy khỏe mạnh.

Người bình thường có lượng đường huyết 4,0 – 6,1 mmol/L (70 – 110 mg/dL). Người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có mức đường huyết “mục tiêu” của mình, là mức đường huyết cần đạt đến và duy trì lâu dài. Hãy giữ đường huyết ở mức “mục tiêu” bằng cách cân bằng giữa thức ăn, cường độ tập thể dục và thuốc làm giảm đường huyết.

Các mục tiêu điều trị chung ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:

  • Đường huyết đói: 90 – 130 mg/dL.
  • Đường huyết 02 giờ sau ăn: < 180 mg/dL.
  • Ít có cơn hạ đường huyết.
  • HbA1c < 7%.
  • Huyết áp < 140/90 mmHg.
  • Cholesterol toàn phần < 200 mg/dL, LDL cholesterol < 100 mg/dL, triglycerides < 150 mg/dL, HDL cholesterol > 40 mg/dL (nam) và > 50 mg/dL (nữ).
  • BMI: 18.5 – 23 kg/m2.

Tuy nhiên, đối với từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra các mục tiêu điều trị riêng phù hợp với bệnh nhân đó.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ Lê Hoàng Bảo cùng ban chuyên gia (trên sân khấu) giải đáp thăc mắc của các bác sĩ chuyên khoa

6. Chế độ dinh dưỡng

Thực phẩm được chia thành 4 nhóm chính: Đạm (protein), béo (lipid), bột đường (carbohydrat) và chất xơ.

Đạm Béo Bột đường
Thịt

Trứng

Phô mai

Đậu

Sữa

Bơ sữa

Dầu ăn

Mỡ động vật

Bơ thực vật

Kem

Sữa

Đường

Mứt, kẹo

Khoai

Mì, bún, nui, cơm

Bánh mì

Nước ngọt

Rau

Ngũ cốc

Trái cây

Tất cả các nhóm thực phẩm đều quan trọng vì cung cấp năng lượng và giúp cơ thể phát triển toàn diện. Năng lượng được hấp thu nhanh chóng nhất từ các loại thực phẩm giàu carbohydrat, từ đó sẽ chuyển hóa thành glucose. Nếu có quá nhiều năng lượng đã hấp thu mà không được sử dụng, nó sẽ được lưu trữ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ.

MỘT SỐ NGUYÊN TẮC ĂN UỐNG QUAN TRỌNG MÀ NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN NHỚ:

  • Đảm bảo ăn đủ 3 bữa ăn chính trong ngày (sáng, trưa, chiều), chỉ ăn bữa phụ nếu bác sĩ yêu cầu.
  • Ăn chậm và nhai kỹ.
  • Chế biến thực phẩm: Luộc, hấp, kho tốt hơn chiên, xào, nướng.
  • Ăn nhiều rau và chất xơ. Chất xơ có vai trò quan trọng trong bữa ăn của người đái tháo đường, vì làm chậm quá trình hấp thu thực phẩm chứa carbohydrat.
  • Ăn vừa đủ chất đường bột: Khi bạn bị bệnh đái tháo đường, sẽ có rất nhiều glucose ở lại trong máu, vì cơ thể không có đủ insulin, hoặc insulin hoạt động không hiệu quả, để giúp glucose đi vào tế bào và tạo ra năng lượng. Các loại thực phẩm chứa carbohydrat ảnh hưởng đến lượng đường huyết, vì vậy nên ăn chừng mực để không làm đường huyết tăng cao. Carbohydrat trong thực phẩm chứa tinh bột (bánh mì, khoai, ngũ cốc, mì, bún, nui, cơm) sẽ giúp cơ thể kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn những thực phẩm ngọt (đường, bánh, kẹo, mứt, nước giải khát). Có thể bạn đã từng nghe nói về chỉ số đường huyết (Glycemic Index – GI). Đó là chỉ số cho biết tốc độ giải phóng đường vào trong máu. Thực phẩm có chỉ số GI cao làm cho đường huyết tăng nhanh hơn so với thực phẩm có chỉ số GI thấp.
  • Ăn ít chất đường ngọt, chất béo, muối, thức ăn nhanh, nước ngọt, rượu bia. Cần tránh ăn đồ ngọt trong những bữa ăn nhẹ vì đường sẽ được hấp thu rất nhanh khi ăn riêng lẻ, nhưng bạn có thể ăn được một ít đồ ngọt cùng lúc với bữa ăn chính, hoặc ngay trước khi tập thể dục. Bạn cũng có thể thêm vào thức ăn những chất tạo ngọt nhân tạo như aspartam, acesulfame K, neotame, saccharin và sucralose để làm tăng hương vị cho thực phẩm mà không làm mất kiểm soát đường huyết. Bạn không cần kiêng tuyệt đối chất béo động vật trong bữa ăn, nhưng phải cắt giảm số lượng, vì mảng bám của nó có thể làm tắc nghẽn các mạch máu. Chúng ta vẫn thường cảnh giác với khoai tây chiên, bánh ngọt và sô – cô – la, nhưng cũng không nên lơ là lượng chất béo khá nhiều trong thịt, trứng và phô – mai. Hầu hết đồ ăn vặt gây hại vì chúng chứa quá nhiều chất béo và đường ngọt.
  • Có thể bạn sẽ bị sụt cân khá nhiều trước khi phát hiện ra mình mắc đái tháo đường. Bạn cần phục hồi lại cân nặng trước kia bằng cách ăn uống hợp lý và sử dụng thuốc hạ đường huyết thích hợp. Mắc bệnh đái tháo đường không có nghĩa là bạn phải nhịn ăn, mà chỉ cần ăn khác đi một chút, với số lượng mỗi nhóm thức ăn hợp lý, và đảm bảo đủ 3 bữa ăn chính mỗi ngày. Nếu năng lượng tiêu hao (do tập thể thao hay làm việc) nhiều hơn năng lượng nạp vào (do ăn uống), lượng đường trong máu có thể giảm xuống thấp (HẠ ĐƯỜNG HUYẾT). Vì vậy tốt nhất hãy ăn đủ lượng tinh bột trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục. Bạn nên cố gắng tránh bị thừa cân, vì điều này làm gia tăng công việc cho tim và các mạch máu, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe hiện tại và tương lai. Bạn cũng có thể đi dự tiệc hoặc ăn bên ngoài với bạn bè, với điều kiện chỉ chọn lựa những thực phẩm thích hợp và ăn một lượng vừa đủ.

7. Chế độ tập luyện

Tập thể dục là thói quen tốt cho tất cả mọi người, nhất là bệnh nhân đái tháo đường. Tập thể dục giúp bạn có thân hình cân đối, trái tim khỏe, tinh thần thoải mái và kiểm soát đường huyết tốt hơn.

MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TẬP LUYỆN QUAN TRỌNG MÀ NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN NHỚ:

  • Thời gian: 30 phút/ngày, ít nhất 05 ngày/tuần.
  • Thời điểm: 03 – 04 giờ sau ăn tốt hơn lúc bụng đói.
  • Chọn loại hình tập luyện phù hợp với tuổi tác và điều kiện sức khỏe: Đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội, v.v… Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại hình luyện tập nào là phù hợp nhất.
  • Cố gắng lồng ghép việc tập luyện trong những hoạt động hàng ngày: Đi vòng quanh phòng trong khi nghe điện thoại, đi bộ thay cho đi xe nếu quãng đường ngắn, đi thang bộ thay cho thang máy nếu tầng lầu thấp, v.v…
  • Bài tập có cường độ nhẹ lúc đầu rồi tăng dần sau một thời gian.
  • Tránh tập luyện nếu đường huyết quá thấp (< 70 mg/dL) hoặc quá cao (> 250 mg/dL), thời tiết đang quá nóng hoặc quá lạnh, có cơn đau thắt ngực dù đang nghỉ ngơi.

Mọi hình thức vận động đều cần đến năng lượng và năng lượng được cung cấp chủ yếu từ carbohydrat. Vì thế, bạn phải ăn đủ carbohydrat trong các bữa ăn chính; và nếu việc vận động nằm ngoài kế hoạch, bạn có thể ăn nhẹ trước khi tập.

Khi bắt đầu một chương trình vận động mới, hãy kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập để biết bài tập này tác động đến đường huyết của bạn như thế nào. Điều đó giúp bạn quyết định có nên ăn thêm carbohydrat trước khi tập hay không và bác sĩ của bạn sẽ điều chỉnh liều thuốc dễ dàng hơn.

Hãy nhớ luôn luôn uống đủ nước nếu đổ mồ hôi nhiều, và phải mang theo một ít bánh, kẹo ngọt khi luyện tập, để phòng khi hạ đường huyết. Đôi khi đường huyết có thể tăng sau khi tập luyện, do hormon adrenaline được phóng thích quá nhiều vào máu khi tập luyện gắng sức. Tuy nhiên, đường huyết có thể bị hạ sau vài giờ, thậm chí trong 24 giờ sau khi vận động. Vì thế, cần chú ý theo dõi đường huyết trước và sau khi vận động.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ Lê Hoàng Bảo (đứng giữa) nhận bằng khen của Bộ y tế về công trình nghiên cứu khoa học

8. Chăm sóc bàn chân

    • Rửa sạch bàn chân với nước ấm hàng ngày.
    • Sau khi rửa, lau khô chân với khăn mềm, chú ý lau kỹ các kẽ ngón chân.
    • Tự kiểm tra, hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các bất thường như khô nứt da, nốt phồng, nốt chai, vết loét, móng quặp, v.v…
    • Không cắt móng chân quá ngắn, không cắt khóe. Dùng giũa mềm để giũa khóe móng.
    • Không ngâm chân trong nước nóng, không thoa dầu nóng hay đắp thuốc nam, thuốc bắc lên bàn chân.
    • Không đi chân đất, luôn mang giày kể cả đi trong nhà.
    • Nên chọn loại giày vừa vặn, tránh đi dép kẹp.
    • Trước khi mang giày phải kiểm tra kỹ không có dị vật bên trong.
    • Tránh ngồi xổm, ngồi xếp bằng hay bắc chéo chân lâu, bỏ hút thuốc lá.

9. Thuốc viên hạ đường huyết

Thuốc là một phần quan trọng trong chế độ điều trị đái tháo đường. Tùy theo loại đái tháo đường và tình trạng kiểm soát đường huyết mà bác sĩ có thể kê toa thuốc viên hoặc thuốc tiêm (insulin).

Cần nhớ rằng đái tháo đường là một bệnh không thể khỏi hoàn toàn, nên việc điều trị có thể phải kéo dài suốt đời để người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt và phòng ngừa sự xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần kiên trì tuân thủ dùng thuốc mỗi ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngay cả khi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhóm thuốc điều trị đái tháo đường. Tốt nhất người bệnh hãy dùng thuốc theo toa củua bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng hàng ngày hay ngưng thuốc đột ngột, vì có thể làm đường huyết tăng cao đến mức nguy hiểm.

Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc Đông y và thực phẩm chức năng, cũng như các khó chịu gặp phải khi dùng thuốc đái tháo đường.

Khi lỡ quên một liều thuốc, KHÔNG được tăng liều lên gấp đôi ở lần dùng kế tiếp, mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có cách xử lý phù hợp.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ Lê Hoàng Bảo không ngừng nghiên cứu- học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiển với đồng nghiệp hướng tới mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm

10. Insulin

Có nhiều loại insulin:

  • Insulin tác dụng nhanh (Actrapid, Humulin R, Novorapid, Humalog, Apidra): Tác dụng ngay sau khi tiêm 5 – 30 phút, hiệu quả kéo dài 3 – 8 giờ.
  • Insulin tác dụng bán chậm/chậm (Insulatard, Humulin N, Levemir, Lantus): Tác dụng từ từ, cung cấp cho cơ thể một lượng insulin nền, hiệu quả kéo dài 12 – 24 giờ.
  • Insulin hỗn hợp (Mixtard 30/70, Humulin 30/70, Novomix 30/70, Humalog 25/75, Humalog 50/50): Chứa cả insulin tác dụng nhanh và chậm.

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về loại insulin được chỉ định dùng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định thay đổi bất kỳ điều gì liên quan đến điều trị.

Insulin được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, tuyệt đối không để trong ngăn đá. Insulin đang được sử dụng cũng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, nhưng tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt nóng hoặc ánh sáng mặt trời.

Insulin được trình bày dưới 2 dạng:

  • Chứa trong lọ thủy tinh, được rút ra bằng bơm tiêm.
  • Chứa trong bút tiêm. Khi sử dụng, người bệnh chỉ cần xoay nút chỉnh số đơn vị rồi tiêm vào cơ thể.

Insulin được tiêm vào lớp mỡ dưới da. Có những vị trí đặc biệt trên cơ thể thích hợp cho việc tiêm insulin, bao gồm vùng bụng quanh rốn, phía trước và ngoài đùi, phía ngoài bắp tay và mông. Cần thường xuyên thay đổi vị trí tiêm insulin vì nếu tiêm nhiều lần vào cùng một chỗ sẽ khiến tích tụ mỡ ở nơi đó tạo ra những khối lổn nhổn và lồi lõm, khi đó insulin tiêm vào sẽ phát huy tác dụng kém hơn.

Cách tiêm insulin:

  • Ngồi trên ghế, thả lỏng người và thư giãn.
  • Bạn có thể tiêm sau khi véo da lên, hoặc tiêm trực tiếp vào mặt da. Điều này phụ thuộc vào độ dài của kim và vóc dáng cơ thể bạn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách tiêm thích hợp nhất. Lưu ý là nếu chọn cách tiêm sau khi véo da, phải đảm bảo nếp gấp chỉ có da và mô mỡ, không có phần cơ bên dưới.
  • Kiểm tra bút tiêm bằng cách bơm một vài giọt insulin ra ngoài trước mỗi lần tiêm.
  • Sau đó, ngón tay cái đặt lên nút bơm thuốc, các ngón khác giữ thân bút tiêm. Đâm kim thẳng góc vào da và ấn nút bơm thuốc. Khi bơm hết insulin, nhớ đếm từ 1 đến 5 trước khi rút kim.
  • Đôi khi máu sẽ chảy ra sau khi rút kim. Điều đó có nghĩa là bạn đã đâm kim vào mạch máu nhỏ dưới da. Việc chảy máu thường không gây nguy hiểm, ngoại trừ để lại vết bầm nhỏ dưới da trong vài ngày. Để khắc phục, nên thay kim thường xuyên sau khi tiêm.
  • Nếu insulin bị rỉ qua chỗ tiêm, có thể do bạn chưa tiêm đủ sâu hoặc rút kim quá sớm sau khi bơm hết thuốc. TUYỆT ĐỐI không được tiêm thêm insulin trong trường hợp này, vì có thể gây ra HẠ ĐƯỜNG HUYẾT. Bạn có thể tiêm ở vị trí mới vào lần sau, kiểm tra chính xác góc tiêm và chiều dài mũi tiêm, ấn nút bơm hết mức và đếm từ 1 đến 10 sau khi bơm hết thuốc.

11. Đo đường huyết

Bạn hãy đến phòng khám đái tháo đường để được bác sĩ kiểm tra bệnh định kỳ, ít nhất là 04 lần mỗi năm. Bạn sẽ có cơ hội gặp và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nội tiết, dinh dưỡng, bàn chân, tâm lý và điều dưỡng viên. Mỗi lần tái khám, bạn sẽ được kiểm tra chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp, mắt, bàn chân; làm xét nghiệm đường huyết, mỡ máu, chức năng gan – thận, nước tiểu, đo điện tim, v.v… và kiểm tra HbA1c khoảng 3 – 6 tháng/lần.

Còn ở nhà, bạn cũng có thể theo dõi đường huyết bằng cách sử dụng máy đo cá nhân. Có rất nhiều loại máy đo, hãy nhờ bác sĩ tư vấn cho bạn cách chọn loại máy phù hợp.

Cách đo đường huyết:

  • Rửa tay với nước sạch và để tay khô hoàn toàn để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả đo.
  • Gắn que thử vào máy đo.
  • Dùng kim chích lấy một giọt máu nhỏ ở cạnh bên ngón tay.
  • Đưa đầu que thử máu đến gần giọt máu để hút giọt máu vào que, và chờ máy hiện ra kết quả đường huyết của bạn ở thời điểm đó.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn bao lâu cần thử đường huyết một lần, và thử vào thời điểm nào trong ngày (trước ăn, 02 giờ sau ăn, trước khi đi ngủ). Trong trường hợp bạn đang bị bệnh, lượng đường huyết có thể ảnh hưởng nhiều hơn lúc bình thường, vì vậy phải kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn. Hãy ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký những kết quả đường huyết cùng với thành phần, số lượng thức ăn và mức độ tập thể dục tại nhà để kịp thời phát hiện bất thường và giúp bác sĩ của bạn điều chỉnh chế độ điều trị.

12. Xử trí tăng đường huyết

Nguyên nhân gây tăng đường huyết
Bệnh cấp tính
Bỏ thuốc viên hạ đường huyết/insulin
Ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường
Stress hoặc lo âu

Tăng đường huyết gây ra đi tiểu nhiều hơn bình thường, luôn khát nước, uống nhiều nước, đói bụng, mệt mỏi, mờ mắt, vết thương lâu lành và sụt cân nhanh.

Khi những triệu chứng kể trên kèm theo nôn ói, đau bụng, da khô và lạnh, thở nhanh, hơi thở có mùi nước sơn móng tay hoặc chuối chín, giảm tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là bệnh đái tháo đường đang diễn tiến rất xấu, cần nhờ người thân đưa ngay vào bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Nếu bạn cảm thấy không được khỏe, cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn, và báo ngay cho bác sĩ của bạn nếu kết quả đường huyết tăng cao.

13. Xử trí hạ đường huyết

Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Tập thể dục quá mức
Dùng quá liều thuốc viên hạ đường huyết/insulin
Ăn quá ít thực phẩm chứa đường
Suy gan – suy thận

Hạ đường huyết là khi đường huyết THẤP, bé hơn 3.9 mmol/L (hoặc 70 mg/dL).

Cẩm nang tiểu đường chia hạ đường huyết được thành 03 mức độ:

Mức độ Dấu hiệu
Nhẹ Đói bụng, run rẩy tay chân, vã mồ hôi, chóng mặt, hồi hộp.

Cần ăn/uống thêm chất đường (bánh, kẹo, trái cây, nước ngọt). Có thể lặp lại nếu chưa thấy khỏe sau 10 – 15 phút.

Trung bình Bối rối, buồn ngủ, nóng tính và không thể điều khiển bản thân.

Cần ăn/uống thêm chất đường (bánh, kẹo, trái cây, nước ngọt). Nên nhờ một người khác giúp bạn.

Nặng Mất ý thức, không thể ăn uống được gì. Thậm chí có thể co giật và hôn mê.

Cần đưa vào một cơ sở y tế gần nhất để được truyền đường vào trong máu.

Nếu nghi ngờ, hãy kiểm tra ngay đường huyết để biết chắc chắn.

Đôi khi cơn hạ đường huyết, dù ở mức độ nhẹ, vẫn là điều không bình thường đối với sức khỏe của bạn. Nếu bạn nghi ngờ, hoặc có bằng chứng về cơn hạ đường huyết, hãy trao đổi ngay với bác sĩ của bạn để được tư vấn về cách phòng ngừa. Luôn mang theo bên mình kẹo ngọt trước khi tập thể dục, phòng khi hạ đường huyết bất ngờ xảy ra.

PHONG KHAM NOI TIET: TIEU DUONG -TUYEN GIAP | BAC SI LE HOANG BAO
Bác sĩ lê Hoàng Bảo (trên sân khấu) đang chia sẻ kinh nghiệm điều trị tới các bác sĩ chuyên khoa

14. Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường

Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu là những yếu tố nguy cơ tim mạch hay xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường, góp phần làm cho biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ xuất hiện nhanh hơn.

Vì tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu thường không có triệu chứng. Nên khi bạn đi tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp và mỡ máu của bạn thường xuyên. Bạn cần ăn kiêng, tập thể dục và uống thuốc đều đặn để kiểm soát tốt huyết áp và mỡ máu của mình.

15. Những ngày đi du lịch

Theo cẩm nang tiểu đường, nhưng ngày đi du lịch bệnh nhân cần các lưu ý sau:

    • Mang theo insulin, máy đo đường huyết và thức ăn nhẹ trong hành lý xách tay, vì hành lý ký gửi có thể thất lạc.
    • Mang theo 01 lọ insulin dự phòng trường hợp làm vỡ lọ thuốc.
    • Chuẩn bị thêm một số kim tiêm, kim lấy máu, que thử máu và thuốc viên hạ đường huyết dùng hàng ngày.
    • Nếu du lịch đến một nơi có khí hậu nóng, hãy nhớ giữ insulin trong túi mát.
    • Khi đến một nơi nào đó, hỏi thăm về cơ sở y tế gần nhất.
    • Sử dụng kem chống nắng và nón để tránh say nắng và mất nước.
    • Nếu trong kỳ nghỉ bạn tích cực tham gia vào các hoạt động thể lực thì có thể ăn nhiều hơn bình thường. Theo dõi đường huyết sẽ cho bạn những quyết định hợp lý.

16. Bảng theo dõi sức khỏe hàng ngày theo cẩm nang tiểu

Ngày Mạch Huyết áp Chiều cao Cân nặng ĐH sáng ĐH trưa ĐH chiều ĐH trước ngủ HbA1c Khác (Ăn vặt, tập thể dục…)
Trước ăn 02 giờ sau ăn Trước ăn 02 giờ sau ăn Trước ăn 02 giờ sau ăn
     
     
     

theo cẩm nang tiểu đường do Bác sĩ Lê Hoàng Bảo biên soạn

Xem thêm: Top Phòng khám tiểu đường uy tín TPHCM 

Top bác sĩ tiểu đường giỏi TPHCM

nội tiết tiểu đường tuyến giáp

BÁC SĨ LÊ HOÀNG BẢO

Kinh nghiệm khám chữa bệnh: Bác sĩ Bảo hiện đang công tác tại Khoa Nội tiết – bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM (Bệnh viện Đại học Y dược là bệnh viện có số lượt khám chữa bệnh đông nhất tại TP.HCM hiện nay). Với 15 năm công tác, bác sĩ đã và đang khám cũng như điều trị nhiều ca Bệnh Nội tiết phức tạp cho bệnh nhân tại khu vực trong và ngoài Tp.HCM

Trình độ khoa học:

+ Bác sĩ Lê Hoàng Bảo tốt nghiệp loại giỏi bác sĩ Nội trú nội tiết (Bác sĩ Nội trú là loại hình đào tạo bác sĩ đặc biệt dành cho thế hệ y bác sĩ nồng cốt kế thừa tại Việt Nam. Được tuyển chọn gắt gao và giới hạn từ những tân bác sĩ tốt nghiệp Đại học loại Giỏi để tham gia chương trình đào tạo tích hợp giữa Thạc sĩ và Bác sĩ Chuyên khoa 1, vừa có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu vừa có khả năng thực hành lâm sàng chuyên khoa).   

+ Hiện đang là nghiên cứu sinh Trường Đại học Y Dược Tp.HCM.

+ Đã tham gia nhiều khoá đào tạo chuyên khoa trong và ngoài nước. 

Trình độ chuyên môn:Chuyên khám, chữa và kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường (đái tháo đường týp 1- týp 2, đái tháo thai kỳ) còn gọi là bệnh tiểu đường, các bệnh tuyến giáp (bệnh bướu cổ), tuyến yên, rối loạn chuyển hóa canxi (loãng xương), rối loạn lipid máu (còn goi là bệnh mỡ máu hay máu nhiễm mỡ), bệnh lý tuyến thượng thận và các rối loạn nội tiết khác.

Khả năng nghiên cứu và cập nhật y học nhân loại: Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Với nhiều bài báo quốc tế được đánh giá cao

Vị trí chuyên gia trong ngành: Ngoài ra, bác Bảo cũng đang là 1 trong những báo cáo viên được giới chuyên môn quan tâm đánh giá cao tại các hội thảo khoa học, tọa đàm và đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh cho các y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến quận, huyện, tỉnh thành

Y đức: Bác sĩ Lê Hoàng Bảo được bệnh nhân và đồng nghiệp đánh giá là một bác sĩ chuyên khoa tuyến giáp giỏi, không ngừng học hỏi và tâm huyết với nghề.

☎️ Hotline phòng khám: 0938121232

📡 Website: https://bacsinoitiet.com

🌏 Fanpage cá nhân: https://facebook.com/bslehoangbao

♻️ Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCvdNXfTa8AqqhBUzCsB8sIQ

🏥 Địa chỉ phòng khám nội tiết – Phòng khám tiểu đường: https://g.co/kgs/QJVtv6 

0938.121.232
0938.121.232